Anh, chị hãy trình bày bối cảnh lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh?
Bối cảnh lịch sử ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh
- Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Xã hội Việt Nam cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược vẫn là một xã hội phong kiến, sản xuất nông nghiệp nhỏ, lạc hậu, trì trệ. Chính quyền nhà Nguyễn đã thi hành chính sách đối nội, đối ngoại bảo thủ, phản động… không mở ra khả năng cho Việt Nam cơ hội tiếp xúc và bắt nhịp với sự phát triển của thế giới.
- Ngày 1-9-1858, mở đầu cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân khi hạm đội Pháp -Tây Ban Nha nổ súng tiến công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
- Ngày 25 – 8– 1883 Triều đình Nhà Nguyễn ký “Hiệp ước Harmand”. Hiệp ước có tất cả 27 điều khoản với nội dung chính là xác lập quyền lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam với hai hình thức Thuộc địa và Bảo hộ: Bắc kỳ là thuộc địa của Pháp và chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung kỳ (Đó là một nền chuyên chế chính trị đồng thời dùng người Việt trị người Việt và chia để trị: giữa miền xuôi và miền ngược, giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo nhằm chia rẽ mối quan hệ đoàn kết của các dân tộc). Và Hiệp ước Patenotre (ngày 6 tháng 6 năm 1884), công nhận quyền bảo hộ của Pháp với vùng lãnh thổ còn lại của Đại Nam. Dân tộc Việt Nam đã mất nền độc lập trong lịch sử.
Cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tác động mạnh mẽ đến sự chuyển biến về kinh tế – xã hội Việt Nam. Diện mạo xã hội Việt Nam thời kỳ này bao gồm cả quan hệ thực dân và các quan hệ phong kiến: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với Thực dân Pháp xâm lược; Nông dân Việt Nam và địa chủ phong kiến. Trong lòng xã hội thuộc địa, mâu thuẫn mới bao trùm lên mâu thuẫn cũ, nó không thủ tiêu mâu thuẫn cũ mà là cơ sở để duy trì mâu thuẫn cũ, làm cho xã hội Việt Nam càng thêm đen tối, tạo ra những tiền đề bên trong cho phong trào yêu nước – giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hàng loạt các phong trào đấu tranh của nhân dân ta diễn ra theo các xu thế khác nhau, nhưng đều thất bại: phong trào đấu tranh yêu nước theo theo khuynh hướng phong kiến (Hoàng Hoa Thám), các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…); Phong trào công nhân cũng đã diễn ra song chỉ mang tính tự phát, chỉ đấu tranh đòi những quyền lợi thuần túy trước mắt…
Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đang khủng hoảng trầm trọng không lối thoát. Một câu hỏi lớn của lịch sử là giải phóng bằng cách nào? Chưa có lời giải đáp.
- Bối cảnh quốc tế
CNTB phát triển xác lập quyền thống trị trên phạm vi toàn thế giới và trở thành kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa. Chủ nghĩa đế quốc ra đời làm xuất hiện những mâu thuẫn mới và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.
Năm 1917, Cách mạng tháng mười Nga thắng lợi mở ra thời đại mới – thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Hồ Chí Minh đã tìm thấy được và Người nhận xét: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”.
Sự xuất hiện của Quốc tế Cộng sản làm nảy sinh mâu thuẫn thời đại: chủ nghĩa xã hội và cư bản. Quốc tế Cộng sản là trung tâm tập hợp lực lượng cách mạng và chỉ đạo cách mạng thế giới.
Như vậy Hồ Chí Minh xuất hiện trong bối cảnh quốc tế có nhiều sự thay đổi và tác động rất lớn đến cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
[1]. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ Giáo dục – Đào tạo; Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia -Hà Nội, 2011.