Đồng tiền ảo vẫn như có “ma lực” hấp dẫn các nhà đầu tư đổ hàng đống tiền thật vào để rồi sau đó nhận những cái kết đắng.
Đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) đang là một trong những xu hướng phát triển của phương tiện thanh toán tài chính. Thời gian qua, đã có không ít những tên tuổi lớn từng thừa nhận tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán.
Ở Việt Nam thời gian gần đây, các dự án đa cấp tiền ảo mọc lên ồ ạt đã được cơ quan chức năng cảnh báo rủi ro như Gem, Vitea, BBO, Win,…Tuy nhiên, đồng tiền ảo vẫn như có “ma lực” hấp dẫn các nhà đầu tư đổ hàng đống tiền thật vào để rồi sau đó nhận những cái kết đắng.
Tiền đi không thấy về
Chị Nguyễn Thúy Nga (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của tiền ảo cho biết, nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt về việc bỏ vốn đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao gấp hàng chục lần, chị đã rót gần trăm triệu đồng vào kênh đầu tư này với dự án Skynet 4fx có lãi suất 20%/ tháng.
Đầu tư tiền ảo được mời gọi với lãi suất hấp dẫn làm mờ mắt nhiều người.
Tuy nhiên, chỉ sau vài lần được thông báo tiền lãi đổ về tài khoản, một ngày kia chị Nga nhận được thông báo sàn này tạm dừng để nâng cấp. Cũng từ điểm đó, sàn Skynet 4fx đã không hoạt động trở lại và số tiền chị Nga đầu tư đã thực sự “bốc hơi” cùng việc sụp đổ của Skynet 4fx.
Tương tự, anh Nguyễn Quốc Quân ở Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng bị mất trắng khoảng 3.000 USD khi đầu tư vào tiền ảo. Sau 2 tuần kí hợp đồng giao dịch, với số tiền lãi anh nhận được khoảng 2 triệu đồng thì sàn bị đánh sập và liên tục báo lỗi.
Một chuyên gia cho biết, điểm chung của các dự án này là dụ nhà đầu tư bỏ tiền thật mua một trong những đồng tiền ảo thuộc top 3, top 5 các tiền ảo hàng đầu trên thế giới. Sau đó, họ sử dụng số tiền ảo này để mua tiền ảo nội bộ do các công ty này tự phát hành (tiền ảo “rác”). Chiêu thức này khiến các sàn lừa đảo vừa thu về lượng lớn tiền ảo giá trị lớn, có tính thanh khoản cao, vừa để né cơ quan chức năng truy dấu vết dòng tiền.
“Nhà đầu tư vì ham lãi suất cao, nhắm mắt đổ tiền vào các dự án này mà không hề có chứng từ nào. Khi sàn bị sập, tiền thật bị “bốc hơi”, nhà đầu tư cũng không hề có bất cứ một bằng chứng nào để khiếu kiện”, vị này nói.
Nêu nguyên nhân của thực trạng này, vị chuyên gia cho rằng, do hành lang pháp lí của Việt Nam có quá nhiều kẽ hở, chưa có chế tài xử lý vi phạm. Trong khi đó phía nhà đầu tư dù nhiều người biết tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, song vì lòng tham họ vẫn bất chấp lao vào.
Rất khó xử phạt
Cùng với sự phát triển của công nghệ, khái niệm “tiền ảo” cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, bỏ tiền vào kênh đầu tư này, nhiều người đã phải ôm trái đắng vì các sàn tiền ảo có thể sập bất cứ lúc nào.
Nhận xét về loại hình đầu tư này, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL cho biết, mặc dù luôn được cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng, song điều khiến tiền ảo vẫn hấp dẫn giới đầu tư chính là lợi nhuận quá lớn. Nhưng mặt trái của việc phát triển đồng tiền này đã thực sự tạo ra loạt những rủi ro của kênh các kênh đầu tư tiền ảo “rác” đang xuất hiện ngày càng nhiều.
“Tiền ảo “rác” có xu hướng tăng mạnh và đang “hút máu” các nhà đầu tư. Với lời mời chào hấp dẫn về lợi nhuận lớn từ các sàn tiền ảo, các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào các sàn tiền ảo ‘rác” để rồi sau một khoảng thời gian ngắn, bỗng dưng sàn bị sập, lúc đó nhà đầu tư mới ngã ngửa là bị lừa”, ông Khương cho biết.
Và tinh vi hơn, theo ông Khương, khi nhiều sàn giao dịch tiền ảo đã dụ các nhà đầu tư mua những tiền ảo thật, sau đó dùng các tiền ảo này để mua lại tiền ảo rác nhằm kiếm lợi nhuận cao, để rồi các nhà đầu tư mất trắng số tiền đầu tư của họ.
“Sẽ rất khó xử phạt tội lừa đảo đối với các ông chủ sàn giao dịch kiểu này, bởi nếu các nhà đầu tư góp bằng tiền thật vào tài sản còn có thể xử phạt được. Nhưng nếu góp tiền ảo – một loại tiền không phải là tài sản hay phương tiện thanh toán, không có tính pháp lý nên hoàn toàn không có căn cứ để xử phạt”, Luật sư Khương phân tích.
Nêu lên giải pháp cho nhà đầu tư khi có ý định đầu tư vào loại hình đầy tính rủi ro này, Luật sư Phạm Duy Khương cho rằng, nhà đầu tư nên chọn mua các loại tiền điện tử an toàn, có tính minh bạch cao và có lịch sử lâu đời như Bitcoin, Ethereum hay Ripple và cần tránh xa những lời dụ dỗ ngon ngọt, lợi nhuận cao từ những loại tiền ảo mà nhà đầu tư không nắm rõ thông tin và nguồn gốc của nó.
Về phía nhà quản lý, vị luật sư cho rằng, Bộ Tài chính cần phối hợp với các ban, ngành đưa ra những quy định bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường tiền ảo./.
Theo Báo điện tử VOV
Nhận xét tình huống trên:
-) Hiểu biết của người dân tại Việt Nam về tiền mật mã còn rất hạn chế. Mọi người thậm chí là những cơ quan báo chí lớn thường nhầm lẫn các khái niệm giữa tiền mật mã, tiền kỹ thuật số và tiền ảo thường cho chúng là một loại tiền.
-) Tiền mật mã là loại tiền sử dụng công nghệ kỹ thuật mật mã để tạo ra đồng tiền. Mà cụ thể ở đây là công nghệ Blockchain. Giá trị của đồng tiền phụ thuộc vào thuật toán tạo lên đồng tiền và giá trị thừa nhận của cộng đồng. Lượng cộng đồng càng lớn thì giá trị của đồng tiền càng lớn và giá trị phụ thuộc vào nhu cầu của cộng đồng đối với đồng tiền.
-) Các dự án lừa đào thường sử dụng những phương thức khác nhau để tạo ra 1 đồng coine. Ví dụ: Vẫn dựa trên công nghệ Blockchain nhưng những người tạo lập nắm toàn quyền quyết định về đồng coine được phát hành. Thuật toán đào coin không được công khai điều này dẫn đến nhóm tạo lập chi phối hoàn toàn cầu đồng tiền mặc dù vẫn dựa trên nền tảng công nghệ như những đồng tiền chính thống khác như bitcoin…. Các dự án lừa đảo sử dụng cách này thường ít và không phổ biến do hạn chế về mặt công nghệ ít dev có thể đảm nhận được công việc phát hành này.
Cách thứ hai là xây dựng một đồng tiền không dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain mà chỉ dựa trên những công nghệ thông thường như websever… Với cách này thì nhà phát hành chủ động tăng lượng tiền một cách vô tội vạ. Cách này thường phổ biến hơn khi có nhiều dev có khả năng hoặc thậm chí có những code có sẵn có thể tạo ra một dự án lừa đảo như vậy.
“Tuy nhiên, chỉ sau vài lần được thông báo tiền lãi đổ về tài khoản, một ngày kia chị Nga nhận được thông báo sàn này tạm dừng để nâng cấp. Cũng từ điểm đó, sàn Skynet 4fx đã không hoạt động trở lại và số tiền chị Nga đầu tư đã thực sự “bốc hơi” cùng việc sụp đổ của Skynet 4fx.” Đây chính là tình huống mà chủ sàn không sử dụng công nghệ bolckchain để tạo ra đồng coin
Cách thứ 3 là xây dựng một sàn giao dịch: Khách hàng được quyền mua bán các sản phẩm tiền mật mã chính thống như BTC, ETH… và lưu trữ tài sản mật mã này ngay chính tại ví của chủ sàn. Do đó lượng tiền hoàn toàn phụ thuộc vào chủ sàn can thiệp và hiển thị thông tin cho khách hàng. Cách này cũng rất phổ biến một dev có hiểu biết về giao dịch tiền mật mã và lập trình web là có thể xây dựng được một dự án lừa đảo như vậy.
“Một chuyên gia cho biết, điểm chung của các dự án này là dụ nhà đầu tư bỏ tiền thật mua một trong những đồng tiền ảo thuộc top 3, top 5 các tiền ảo hàng đầu trên thế giới. Sau đó, họ sử dụng số tiền ảo này để mua tiền ảo nội bộ do các công ty này tự phát hành (tiền ảo “rác”). Chiêu thức này khiến các sàn lừa đảo vừa thu về lượng lớn tiền ảo giá trị lớn, có tính thanh khoản cao, vừa để né cơ quan chức năng truy dấu vết dòng tiền.” Đây chính là tình huống chủ sàn nắm giữ hoàn toàn lượng tài sản của khách hàng.
Nói tóm lại có rất nhiều cách để một dự án lừa đảo hình thành tuy nhiên đặc điểm chung là chủ dự án sẽ làm chủ hoàn toàn nguồn cung conie hoặc nắm giữ địa chỉ bí mật của ví chứa đựng tài sản mật mã.
Về yếu tố pháp luật cho thấy: Nhà nước đã không chấp nhận các dự án kể cả những đồng tiền như BTC hay ETH làm phương tiện giao dịch tại Việt Nam. Do đó pháp luật trong trường hợp này không bảo vệ nhà đầu tư và cũng bảo vệ chủ sản. Giao dịch giữa nhà đầu tư và chủ sàn không được pháp luật công nhận.
Nhà đầu tư chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng trong giao dịch. Có hiểu biết về các tài sản mà mình đầu tư. Tránh đầu tư theo đám đông và đầu tư vào những tài sản mà bản thân không hiểu rõ.