Hãy chứng minh rằng TPQT là một ngành luật độc lập?
Tư pháp quốc tế là một ngành độc lập vì có Đối tượng điều chỉnh; Phương pháp điều chỉnh; Chủ thể; Nguồn luật cũng như cách thức thực hiện biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế riêng biệt với các ngành luật khác.
– Thứ nhất: Về đối tượng điều chỉnh thì Tư pháp quốc tế điều chỉnh các quan hệ mang tính chất dân sự (dân sự theo nghĩa rộng), khác với quan hệ dân sự của pháp luật quốc gia đó là các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia. Yếu tố nước ngoài tham gia trong các quan hệ Tư pháp quốc tế có thể được phân thành ba nhóm phụ thuộc vào quan hệ pháp luật mà nó có liên quan.
– Thứ hai: Về phương pháp điều chỉnh thì Công pháp quốc tế điều chỉnh chủ yếu bằng phương pháp thỏa thuận (thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế) giữa các chủ thể của Công pháp quốc tế với nhau. Còn Tư pháp quốc tế điều chỉnh bằng hai phương pháp mang tính đặc thù của ngành luật này đó là phương pháp thực chất – bằng cách áp dụng các quy phạm thực chất, trong đó quy phạm này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như cách thức áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định của một hệ thống pháp luật quốc gia xác định và phương pháp xung đột – áp dụng các quy phạm xung đột để “dẫn chiếu” đến hệ thống pháp luật quốc gia cần được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Như vậy ở đây chúng ta cũng thấy rõ sự khác nhau giữa phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với Luật dân sự đó là phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột còn phương pháp của luật dân sự là phương pháp bình đẳng thỏa thuận.
– Thứ ba: Xét về chủ thể của hai ngành luật này chúng ta thấy: Chủ thể cơ bản của Công pháp quốc tế đó là các quốc gia có chủ quyền. Còn chủ thể cơ bản của Tư pháp quốc tế đó là các thể nhân và pháp nhân của các nước khác nhau, trong một số trường hợp quốc gia tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế. Như vậy chủ thể của hai ngành luật này là các “loại” chủ thể khác nhau về quyền lực và địa vị pháp lý khi tham gia vào các quan hệ pháp luật.
– Thứ tư: Biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế cũng khác nhau về mặt bản chất. Biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế là bồi thường thiệt hại mang tính tài sản, pháp luật của các quốc gia được áp dụng để điều chỉnh. Còn chế tài trong Công pháp quốc tế mang tính chính trị, phản đối về ngoại giao… tuy rằng có những trường hợp áp dụng các chế tài mang tính tài sản như bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế gây thiệt hại của quốc gia gây nên cơ sở pháp lý của việc áp dụng các biện pháp chế tài là do chính các chủ thể thỏa thuận trong các điều ước quốc tế.
– Thứ năm: Ngoài một điểm riêng của Tư pháp quốc tế có nguồn là pháp luật quốc gia thì hai ngành luật này đều có nguồn chung đó là điều ước quốc tế. Đây cũng được coi là điểm cơ bản làm xuất phát điểm để nhiều tác giả cho rằng Tư pháp quốc tế là một phần của Luật quốc tế, đặc biệt là trong tương lai khi các quốc gia tham gia vào mọi lĩnh vực hợp tác quốc tế, thì các điều ước quốc tế sẽ là nguồn cơ bản chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ trong mọi lĩnh vực của quốc gia. Sự phát triển của quá trình hội nhập, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – thương mại, sự tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật lên sự điều chỉnh pháp luật – Tất cả các yếu tố này cho thấy một xu hướng vai trò, vị trí của điều ước quốc tế là nguồn của Tư pháp quốc tế ngày càng được nâng cao.