1. Luật kinh doanh quốc tế không phải là một bộ phận của Luật thương mại quốc tế
2. Quốc gia không phải là chủ thể của các quan hệ hợp đồng trong thương mại quốc tế
3. Điều kiện để cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại do pháp luật quốc gia quy định
4. Hợp đồng mẫu là một loại nguồn của Luật thương mại quốc tế
5. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Đáp án mang tính chất tham khảo.
Xem thêm: Tại đây
1. Nhận định trên là không chính xác. Vì Luật thương mại quốc tế là tổng hợp các nguyên tắc, các quy phạm điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động thương mại quốc tế. Dựa trên cơ sở khái niệm hoạt động thương mại quốc tế được hiểu là các hoạt động thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc biên giới hải quan, cũng cần phân biệt giữa Luật Thương mại quốc tế và Luật kinh doanh quốc tế. Trong đó, Luật thương mại quốc tế theo nghĩa rộng bao gồm Luật thương mại theo nghĩa hẹp (Luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế theo nghĩa hẹp) và Luật kinh doanh quốc tế.
2. Nhận định trên là không chính xác. Vì theo nội hàm khái niệm Thương mại quốc tế, Luật thương mại quốc tế ở trên, có thể thấy rằng chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế và chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại quốc tế gồm bốn nhóm:
– Cá nhân
– Pháp nhân
– Quốc gia: Quốc gia tham gia vào nhiều hoạt động thương mại quốc tế khác nhau, có thể là giữa quốc gia các quốc gia, thực thể công khác, hoặc giữa quốc gia với các thực thể tư như cá nhân, pháp nhân.
– Chủ thể khác
3. Nhận định trên là chính xác. Vì Cá nhân hay còn gọi là thể nhân, tự nhiên nhân
– Điều kiện tham gia quan hệ thương mại quốc tế: Có thể được quy định cụ thể hoặc không cụ thể, quy định riêng cho hoặc phải theo quy chế của thương nhân. Pháp luật các nước quy định khác nhau về điều kiện này nhưng nhìn chung gồm hai nhóm điều kiện cơ bản: Điều kiện về nhân thân, điều kiện về nghề nghiệp.
+ Điều kiện về nhân thân: Gắn với một con người cụ thể, gồm năng lực pháp luật, năng lực hành vi và những yêu cầu khác như không bị tước quyền kinh doanh, không đang chấp hành án phạt tù…
+ Điều kiện về nghề nghiệp: Làm một số nghề nhất định sẽ không được tham gia hoạt động thương mại nói chung, hoạt động thương mại quốc tế nói riêng.
+ Ví dụ: Tại Pháp – Theo Luật thương mại của Cộng hòa Pháp thì một số nghề không được tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế như luật sư, bác sĩ, công chứng viên, chấp hành viên. Tại Việt Nam – Pháp luật Việt Nam quy định các điều kiện để cá nhân trở thành thương nhân, tham gia hoạt động thương mại nói chung tại Điều 6 Luật Thương mại Việt Nam 2005.
4. Nhận định trên là chính xác. Vì có bốn loại nguồn của Luật thương mại quốc tế:
– Pháp luật quốc gia
– Điều ước quốc tế
– Tập quán thương mại quốc tế
– Nguồn khác: các loại nguồn khác cũng đóng một vai trò quan trọng trong điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế như các nguyên tắc về hợp đồng, các luật mẫu được ban hành bởi các tổ chức quốc tế, các án lệ quốc tế của các cơ quan tài phán quốc tế và các bản hợp đồng mẫu được ban hành bởi các tổ chức quốc tế độc lập hoặc những hiệp hội ngành nghề có liên quan.
5. Nhận định trên là không chính xác. Vì Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) được hiểu là trong cam kết thương mại một nước dành cho nước đối tác sự ưu đãi có lợi không kém những ưu đãi mà nước đó đang và sẽ danh cho nước đối tác thứ ba. Nguyên tắc này có nghĩa trong cam kết thương mại nếu một thành viên dành ưu đãi cho một thành viên khác như áp thuế thấp, miễn trừ nghĩa vụ cho một sản phẩm nhập khẩu nào đó thì các thành viên khác cũng sẽ được hưởng sự ưu đãi đó.
* Mục đích: Đảm bảo sự đối xử bình đẳng và không phân biệt giữa các thành viên của cam kết thương mại trong mối quan hệ với một thành viên khác.
-Trong khi đó: Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) Nguyên tắc này dựa trên cam kết theo đó một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơm so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp nước mình.
* Mục đích: Nguyên tắc này tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa chủ thể kinh doanh trong và ngoài nước.