Nêu các hình thức của trọng tài quốc tế
Có hai hình thức của trọng tài thương mại là trọng tài quy chế (trọng tài thường trực) và trọng tài adhoc (trọng tài vụ việc) cụ thể như sau:
Trọng tài quy chế (trọng tài thường trực)
Theo Khoản 6, Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010: “Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.”
Trọng tài quy chế, còn gọi là trọng tài thường trực, là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Trung tâm trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và nguyên tắc riêng.
Đặc điểm:
– Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống các cơ quan Nhà nước.
– Cơ cấu tổ chức của trung tâm trọng tài bao gồm có ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Tổ chức và quản lý của các trung tâm trọng tài nói chung đơn giản, gọn nhẹ. Ban điều hành của trung tâm trọng tài bao gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có tổng thư ký trung. Bên cạnh ban điều hành, trung tâm trọng tài còn có các trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài
– Trung tâm trọng tài có thể tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Trong quá trình hoạt động, các trung tâm trọng tài có quyền mở rộng và thu hẹp lĩnh vực hoạt động, nhưng phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trọng tài vụ việc (trọng tài adhoc)
Theo khoản 7, Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010: “Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.”
Trọng tài vụ việc, còn gọi là trọng tài adhoc, là hình thức trọng tài theo đó các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ việc đó. Bản chất của trọng tài vụ việc được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau:
– Được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
– Không có cơ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên
– Quy tắc tố tụng của trọng tài vụ việc để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài.