Phân tích cận biên – phương pháp lựa chọn tối ưu
Phân tích cận biên cấu thành cách tiếp cận phân tích của chúng ta đối với vấn đề lựa chọn. Phương pháp này cho phép chúng ta hiểu được bản chất tối ưu của các quyết định kinh tế. Khi đưa ra các quyết định kinh tế, các thành viên kinh tế theo đuổi các mục tiêu kinh tế khác nhau. Cụ thể người tiêu dùng muốn tìm cách để tối đa hoá lợi ích, doanh nghiệp muốn tối đa hoá lợi nhuận còn chính phủ muốn tối đa hoá phúc lợi công cộng. Dù các mục tiêu có khác nhau song các thành viên kinh tế đều có chung một giới hạn đó là ràng buộc về ngân sách.
Phép phân tích cận biên sẽ giúp chúng ta hiểu được cách thức lựa chọn của các thành viên kinh tế. Bất cứ sự lựa chọn kinh tế nào cũng liên quan đến hai vấn đề cơ bản là: chi phí và lợi ích của sự lựa chọn. Cả hai biến số này đều thay đổi khi các thành viên kinh tế đưa ra các sự lựa chọn với quy mô khác nhau. Mọi thành viên kinh tế đều mong muốn tối đa hoá lợi ích ròng (hiệu số giữa lợi ích và chi phí).
Lợi ích ròng = Tổng lợi ích – Tổng chi phí
Giả sử hàm tổng lợi ích là TB = f(Q), hàm tổng chi phí là TC = g(Q). Điều đó có nghĩa là tổng lợi ích thu được cũng như tổng chi phí bỏ ra cho một sự lựa chọn phụ thuộc vào qui mô của sự lựa chọn đó (Q). Khi đó lợi ích ròng là NB = TB – TC = f(Q) – g(Q).
NB đạt giá trị cực đại khi (NB)’ (Q) = 0, ta có:
(NB)’ (Q) = TB’ (Q) – TC’ (Q) = 0
=> MB – MC = 0
=> MB = MC
Vậy lợi ích ròng đạt giá trị cực đại khi MB=MC
– Nếu MB > MC thì mở rộng quy mô hoạt động sẽ làm tăng lợi ích ròng;
– Nếu MB = MC quy mô hoạt động là tối ưu;
– Nếu MB < MC thì thu hẹp quy mô hoạt động sẽ làm tăng lợi ích ròng.
Trong đó:
– MB là lợi ích cận biên: là phần lợi ích tăng thêm khi mở rộng mức độ hoạt động thêm một đơn vị
– MC là chi phí cận biên phần chi phí tăng thêm khi mở rộng mức độ hoạt động thêm một đơn vị
Như vậy, khi đưa ra các quyết định về sự lựa chọn kinh tế các thành viên kinh tế luôn phải so sánh giữa phần tăng thêm về lợi ích và phần tăng thêm về chi phí nhằm mục đích xác định một mức sản lượng tối ưu.