Phân tích nội dung cơ sở lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin của tư tưởng HCM.Dựa trên cơ sở nào để khẳng định đến 1930, tư tưởng HCM đã được hình thành về cơ bản?
*Cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin
Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp, quyết định bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tư tưởng của Người góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác-Lênin ở thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, tự do. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta… là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội…”.
Sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Hồ Chí Minh nổi lên một số điểm đáng chú ý:
Một là, khi ra đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã có một vốn học vấn chắc chắn, một năng lực trí tuệ sắc sảo, Người đã phân tích, tổng kết các phong trào yêu nước Việt Nam chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; Người tự hoàn thiện vốn văn hoá, vốn chính trị, vốn sống thực tiễn phong phú, nhờ đó Bác đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin như một lẽ tự nhiên “tất yếu khách quan và hợp với quy luật”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là bộ phận văn hoá đặc sắc nhất của nhân loại: tinh tuý nhất, cách mạng nhất, triệt để nhất và khoa học nhất
Hai là, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là tìm con đường giải phóng cho dân tộc, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn Việt Nam chứ không phải từ nhu cầu tư duy. Người hồi tưởng lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa Lênin, “khi ấy ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng: hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.
Ba là, Người vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương pháp mác-xít, nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất, và theo tinh thần phương Đông, không sách vở, không kinh viện, không tìm kết luận có sẵn mà tự tìm ra giải pháp riêng, cụ thể cho cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ:
– Quyết định bản chất thế giới quan khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
– Quyết định phương pháp hành động biện chứng của Hồ Chí Minh.
– Tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, là tư tưởng Việt Nam thời hiện đại.
*Thời kỳ 1921 – 1930: hình thành tư tưởng cơ bản về cách mạng Việt Nam
Thời kỳ này Hồ Chí Minh có những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hết sức phong phú, sôi nổi, tích cực và đầy hiệu quả.
– 1921 – 1923: Nguyễn Ái Quốc hoạt động với cương vị Trưởng tiểu ban Đông Dương trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp; tham dự Đại hội I, II của đảng này, phê bình Đảng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa; Thành lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, mục đích của báo là đấu tranh “giải phóng con người”. Tư tưởng về giải phóng con người xuất hiện từ rất sớm và sâu sắc ở Nguyễn Ái Quốc.
– 1923 – 1924: Người sang Liện Xô tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân, tận mắt chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của nhân dân Liên Xô. Năm 1924, Người tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản và các Đại hội Quốc tế thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ. Thời gian ở Liên Xô tuy ngắn nhưng những thành tựu về kinh tế – xã hội trên đất nước này đã để lại trong Người những ấn tượng sâu sắc.
– Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu thực hiện một số nhiệm vụ do Đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân giao phó.
Khoảng giữa 1925, Người sáng lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, ra báo Thanh niên, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Năm 1925, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được xuất bản tại Pa-ri. Năm 1927, Bác xuất bản tác phẩm “Đường Kách Mệnh”. Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người trực tiếp thảo văn kiện “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” và “Chương trình vắn tắt” của Đảng.
Những tác phẩm lý luận chủ yếu của Người thời kỳ này như Báo cáo Trung kỳ, Nam kỳ và Bắc kỳ; Bản án chế độ thực dân Pháp; Đường Kách mệnh; Cương lĩnh đầu tiên của Đảng;… cho thấy những luận điểm về cách mạng Việt Nam được hình thành cơ bản. Có thể tóm tắt nội dung chính của những quan điểm lớn, độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam như sau:
– Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.
– Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng ko phụ thuộc vào nhau.Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc.
– Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mạng”, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do.
– Giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng; phải tập hợp lực lượng dân tộc thành một sức mạnh to lớn chống đế quốc và tay sai. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải đoàn kết dân tộc, phải tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, bằng hình thức và khẩu hiệu thích hợp.Đây là quan điểm Cơ bản của Người về nghệ thuật vận động quần chúng và tiến hành đấu tranh cách mạng.
– Cách mạng muốn thành công trước hết phải có đảng lãnh đạo, Đảng phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin và phải có một đội ngũ cán bộ sẵn sàng hy sinh chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, vì lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lý tưởng giải phóng giai cấp công nhân và nhân loại
Những quan điểm, tư tưởng cách mạng trên đây của Hồ Chí Minh trong những năm 20 của thế kỷ XX được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu mác-xít khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo một xung lực mới, một chất men kích thích, thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của thời đại.
Xem thêm: Các câu hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh