Phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết dân tộc. Liên hệ thực tiễn Việt Nam hiện nay

Please follow and like us:

Phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết dân tộc. Liên hệ thực tiễn Việt Nam hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết được xuất phát từ thực tiễn khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần nhân dân tiến hành và vì lợi ích chính đáng của nhân dân – Nó là một hệ thống các luận điểm về vị trí, vai trò, nội dung, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng, nhằm phát huy đỉnh cao sức mạnh của dân tộc, của quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ đường lối chiến lược, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng việt Nam.

Vai trò của đại đoàn kết dân tộc

            Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, bảo đảm thành công của cách mạng

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành mọi sức mạnh to lớn trong đấu tranh cách mạng. Trong từng thời kì, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc phải luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng: đoàn kết làm ra sức mạnh; đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi; đoàn kết là then chốt của thành công; đoàn kết là điểm mẹ, điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt; đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công. Đại đoàn kết dân tộc không phải là sách lược cách mạng, thủ đoạn chính trị mà là chiến lược cách mạng.

Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết dân tộc là mục đích hàng đầu. Đại đoàn kết dân tộc không phải chỉ là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc. Đó là đòi hỏi khách quan và của bản thân quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn quần chúng, chuyển những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành đòi hỏi tự giác, thành sức mạnh vô địch trong đấu tranh cách mạng.

Liên hệ thực tiễn Việt Nam hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong suốt sự nghiệp cách mạng của nước ta, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về đại đoàn kết trong các văn kiện của Đảng, như: Nghị quyết số 07/NQ-TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị (Khóa VII) về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận thống nhất”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX), tháng 01/2004 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”…Nhờ có đường lối đại đoàn kết đúng đắn, sau 30 năm đổi mới đất nước toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, vị thế của đất nước trên quốc tế ngày càng tăng, kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, chính trị ổn định…

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay – giai đoạn toàn cầu hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với sự biến động hết sức phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và trong nước, đó là: sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn còn hiện hữu, khủng bố, đảo chính và xung đột vũ trang ngày càng gia tăng ở khắp các khu vực trên thế giới, tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông…Còn trong nước nạn tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa thực sự được đầy lùi. Đứng trước những nguy cơ này thì tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết lại càng thể hiện rõ giá trị lý luận và thực tiễn sinh động của nó. Về lý luận thì đây là một chân lý khoa học vĩ đại, là chìa khóa hữu hiệu nhất để giải quyết mọi khó khăn, thách thức hiện nay của đất nước, chân lý này đã được Người căn dặn Đảng ta rất kỹ trong di chúc rằng: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; về thực tiễn phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc là tạo được “sức mạnh vô địch” mà không có kẻ thù nào có thể chiến thắng được.

Vì vây, chỉ có dân chủ rộng rãi và đại đoàn kết thực sự thì chúng ta mới bảo vệ vững chắc được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội như điều mong muốn cuối cùng của Bác trước lúc vĩnh biệt dân tộc ta để về với thế giới người hiền.

Tài Liệu Tham Khảo

[1] Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ Giáo dục – Đào tạo; Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia – Hà Nội, 2011.

 

Please follow and like us:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *