Pháp luật quốc gia là nguồn phổ biến và chủ yếu của Tư pháp quốc tế. Loại nguồn này còn được biết đến với tên gọi là nguồn quốc nội bao gồm một hệ thống các văn bản pháp luật do quốc gia ban hành cùng với các án lệ. Sở dĩ pháp luật quốc gia trở thành nguồn chủ yếu của Tư pháp quốc tế là bởi vì hai lí do chính. Thứ nhất, các quan hệ Tư pháp quốc tế không phải là các quan hệ chính trị quốc tế (quan hệ giữa các chủ thể của Luật quốc tế) mà chỉ thuần túy là các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài, vì vậy, mỗi quốc gia trước tiên sẽ xây dựng những quy định riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mình để điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế. Thứ hai, mặc dù điều ước quốc tế cũng có thể là nguồn của Tư pháp quốc tế nhưng việc xây dựng điều ước quốc tế để điều chỉnh mọi lĩnh vực của Tư pháp quốc tế là không khả thi bởi không thể thống nhất hóa mọi nội dung của luật các nước trong điều kiện pháp luật, nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới là rất khác nhau. Văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất là Hiến pháp. Tuy nhiên, có nước không có Hiến pháp rõ rệt với vai trò là một đạo luật gốc do cơ quan lập pháp ban hành như: Anh, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Sau Hiến pháp là các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành. Văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lí thấp hơn là các văn bản dưới luật thường do các cơ quan hành pháp, tư pháp ban hành. Các quy phạm Tư pháp quốc tế có thể được xây dựng rải rác trong Hiến pháp, luật, văn bản dưới luật v.v. nhưng cũng có thể được pháp điển thành các đạo luật chuyên biệt. Một số nước xây dựng ngành Tư pháp quốc tế theo cách thứ nhất, ví dụ: Pháp, Đức, Italia, Anh, Hoa Kỳ v.v. trong khi đó, một số nước khác lại chọn cách thứ hai để xây dựng các đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế như: Bộ luật Liên bang về Tư pháp quốc tế của Ba Lan năm 2011, Đạo luật về Tư pháp quốc tế của Venezuela năm 1998, Đạo luật về Tư pháp quốc tế của Áo năm 1978, Bộ luật Tư pháp quốc tế của Vương quốc Bỉ năm 2004, Bộ luật Tư pháp quốc tế của Bungari năm 2005. Pháp luật quốc gia với tư cách là nguồn của Tư pháp quốc tế thường được áp dụng ở một số quốc gia để giải quyết quan hệ Tư pháp quốc tế trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất: khi có sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia
Thứ hai: khi trong hợp đồng quốc tế có thỏa thuận áp dụng pháp luật quốc gia nhất định.
Thứ ba: khi cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài quốc tế) lựa chọn luật áp dụng cho tranh chấp là pháp luật quốc gia nhất định.
Ở Việt Nam, hiện nay pháp luật quốc gia là loại nguồn chủ yếu của Tư pháp quốc tế. Các quy phạm Tư pháp quốc tế được xây dựng rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau để điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế tương ứng. Đầu tiên phải kể tới Hiến pháp 2013 là nguồn quan trọng và có hiệu lực pháp lý cao nhất. Trong Hiến pháp 2013 chứa đựng nhiều quy phạm có tính nguyên tắc của ngành Tư pháp quốc tế Việt Nam, chẳng hạn như: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lậ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tasctin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lơi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Điều 12); “1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; 2. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” (Điều 18); “Người nước ngoài cứ trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam” (Điều 48); “…Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” (Điều 51).