Quy luật chi phí cơ hội tăng dần
Chi phí cơ hội là cơ hội tốt nhất bị bỏ qua khi đưa ra một sự lựa chọn về kinh tế. Khái niệm này cũng có thể được phát biểu là những hàng hoá và dịch vụ cần thiết nhất bị bỏ qua để thu được những hàng hoá và dịch vụ khác. Ví dụ: một người có một lượng tiền mặt là 1 tỷ đồng và cất giữ ở trong két tại nhà. Nếu anh ta gửi lượng tiền đó vào ngân hàng với lãi suất có kỳ hạn 1 tháng là 1,30% thì sau một tháng anh ta có được một khoản lãi là 13 triệu đồng. Như vậy, chi phí cơ hội của việc giữ tiền (1 tỷ đồng) là tiền lãi (13 triệu đồng) bị bỏ qua. Đây là số tiền lãi có thể thu được nếu gửi tiền vào ngân hàng. Một ví dụ khác về chi phí cơ hội của lao động là thời gian nghỉ ngơi bị mất đi. Nếu bạn quyết định đi làm thêm vào thứ bảy và Chủ nhật, bạn có thể kiếm được một lượng thu nhập nào đó, ví dụ là 500 ngàn đồng để chi tiêu. Tuy nhiên, thời gian của thứ bảy và Chủ nhật đó lại không được sử dụng để nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi bị mất đi chính là chi phí cơ hội của việc làm thêm cuối tuần của bạn. Hoặc khi người nông dân quyết định trồng hoa trên mảnh vườn của mình thay cho cây ăn quả hiện có, thì chi phí cơ hội của việc trồng hoa là lượng hoa quả bị mất đi.
Như vậy khi đưa ra bất cứ sự lựa chọn kinh tế nào, chúng ta cũng phải cân nhắc so sánh các phương án với nhau để xem phương án lựa chọn nào là tốt nhất. Đó chính là việc tính toán chi phí cơ hội của sự lựa chọn. Tất nhiên, cần nhấn mạnh rằng việc tính toán chi phí cơ hội không phải là đơn giản vì sự lựa chọn phải được cân nhắc rất kỹ trên nhiều phương diện khác nhau. Và sự lựa chọn này còn phụ thuộc vào quy luật chi phí cơ hội tăng dần.
Quy luật chi phí cơ hội tăng dần phát biểu rằng để thu thêm được một số lượng hàng hoá bằng nhau, xã hội ngày càng phải hy sinh ngày càng nhiều hàng hoá khác. Tại sao chi phí cơ hội lại tăng lên? Câu trả lời tương đối đơn giản. Không phải tất cả các nguồn lực đều giống nhau, một số nguồn lực phù hợp với sản xuất hàng hóa này hơn so với việc sản xuất hàng hóa kia.Ví dụ răng giả định nên kinh tế có 2 ngành là trồng ngô và dệt vải, một số lao động và máy móc thiết bị phù hợp với việc dệt vải trong khi một số lao động và máy móc khác lại phù hợp hơn cho việc sản xuất ngô. Vì thế khi nền kinh tế mở rộng sản lượng dệt vải thì phải sử dụng những tài nguyên không phù hợp lắm với việc sản xuất vải. Lúc đầu, tăng số lượng mét vải không khó khăn lắm, chẳng hạn chuyển giảm diệt tích trồng ngô để chuyển sang trồng bông dệt vải. Nhưng khi tiếp tục tăng sản lượng vải thì phải sử dụng cả những tài nguyên kém phù hợp hơn. Chẳng hạn chuyển nhà máy chế biến ngô sang nhà máy chế biến sợi bông, việc chuyển đổi trang thiết bị sản xuất này đòi hỏi phải hi sinh sản lượng ngô ngày càng lớn hơn.